Bảo vệ chăm sóc trẻ em
Kinh nghiệm của một số nước về hệ thống bảo vệ trẻ em
15/06/2012 12:00:00

Qua khảo sát thực tế ở Australia, Thuỵ Điển, Hồng Kông cho thấy việc hình thành hệ thống bảo vệ trẻ em liên quan rất nhiều đến các quy định của pháp luật và chính sách hiện hành.

 Xây dựng hệ thống luật pháp chính sách liên quan đến phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em

Luật pháp không chỉ quy định quyền của trẻ em, trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện mà còn quy định rất cụ thể về các biện pháp thúc đẩy thực hiện quyền được bảo vệ, quyền sinh tồn của trẻ em. Luật pháp cũng xác định địa vị pháp lí, trách nhiệm và quyền hạn của nhân viên công tác xã hội rất rõ ràng, mọi vấn đề liên quan đến trẻ em đều phải có tiếng nói của cán bộ CTXH. Trong các trường hợp tách con ra khỏi cha mẹ, người chăm sóc hoặc xử lí trẻ em vi phạm pháp luật, tiếng nói của nhân viên CTXH thường giữ vai trò quyết định.

Luật pháp ở Australia quy định rất rõ về quyền của trẻ em

Điển hình như Australia quy định rất cụ thể về trách nhiệm của nhân viên công tác xã hội trong việc phát hiện trẻ em bị xâm hại, bạo lực hay sao nhãng và được phép áp dụng các biện pháp can thiệp. Ví dụ một trẻ em ở độ tuổi quá nhỏ (dưới 8 tuổi) bị bỏ một mình ở sân chơi cho trẻ em hay ở hành lang của khu dân cư không có người đi kèm, nhân viên CTXH phải tìm cách đưa cháu bé về nhà hoặc cơ sở chăm sóc tạm thời và phải tìm hiểu vì sao trong trường hợp này, trẻ không có người quản lý. Nhân viên CTXH cũng sẽ thu xếp các chuyến vãng gia thăm cha mẹ, người chăm sóc trẻ để tìm hiểu vấn đề và tư vấn, nếu cách ứng xử hay hành vi của bố mẹ, người chăm sóc tỏ ra không quan tâm đến con cái có thể bị kết tội sao nhãng trẻ em, sẽ bị phạt tiền, thậm chí bị tước quyền chăm sóc trẻ một thời gian tuỳ theo mức độ sao nhãng. Luật này cũng quy định rất cụ thể trách nhiệm của giáo viên, khi phát hiện trên cơ thể trẻ có dấu hiệu bị bạo lực phải tìm hiểu nguyên nhân và thông báo cho nhân viên CTXH và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Tương tự như vậy trong hệ thống luật pháp, chính sách về trẻ em hay quyền trẻ em các quốc gia này đều quy định cụ thể về việc hình thành và trách nhiệm của các Trung tâm CTXH với việc bảo vệ chăm sóc trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và nhóm trẻ em có nguy cơ bị tổn hại; quy định về các hình thức chăm sóc thay thế, chính sách trợ giúp các gia đình, cá nhân nhận chăm sóc thay thế, quy trình nhận chăm sóc thay thế, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc thực hiện các quyền của trẻ em…

Một nội dung khác cũng được hệ thống luật pháp, chính sách quy định rất cụ thể đó là tư pháp thân thiện với trẻ em, ví dụ như khi trẻ em vi phạm pháp luật thì áp dụng các hình thức điều tra, xét hỏi, xử lí tại toà án như thế nào để không gây tổn hại cho trẻ em hay trong trường hợp trẻ em là nạn nhân của các hành vi bạo lực, xâm hại. Một số nước có phòng điều tra xét hỏi riêng, toà án gia đình và trẻ em riêng để chuyên điều tra, xét hỏi và phán quyết đối với trẻ em phạm tội hoặc trẻ em là nạn nhân của các hành vi xâm hại, bạo lực.

 Phát triển nguồn nhân lực thực hành công tác xã hội với trẻ em

Nguồn nhân lực thực hành công tác xã hội với trẻ em có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em, vì đây là lực lượng trực tiếp và quan trọng nhất làm nhiệm vụ cung cấp dịch vụ và kết nối cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em ở cộng đồng, chính họ cũng là người trực tiếp thực hành công tác quản lý ca, xây dựng chương trình, kế hoạch trợ giúp trẻ em, gia đình và phát triển cộng đồng. Hầu hết các nước phát triển và đang phát triển đã công nhận công tác xã hội là một nghề chuyên nghiệp giống như các nghề luật sư, bác sỹ, giáo viên.  Hồng Kông, Thuỵ Điển, Australia… đều đã thành lập Hiệp hội CTXH, Hiệp hội Các trường đào tạo cán bộ xã hội.

Theo đó, Hiệp hội công tác xã hội được hình thành trên cơ sở tham gia tự nguyện của những người làm CTXH và Hiệp hội có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ các thành viên của mình, những cán bộ xã hội chuyên nghiệp trong một quốc gia. Hiệp hội đã ban hành “Quy điều đạo đức” nghề nghiệp để các cán bộ CTXH tuân theo.

 Hiệp hội Các trường đào tạo cán bộ CTXH có vai trò rất quan trọng trong việc công nhận chương trình, giáo trình đào tạo cán bộ xã hội. Hiện này, đào tạo cán bộ xã hội đã được thực hiện ở tất cả các cấp từ sơ cấp đến tiến sỹ. Nội dung đào tào về chuyên môn cũng đã phân chia khá sâu theo 4 chuyên ngành là: CTXH với trẻ em, CTXH với người già, CTXH với người khuyết tật, CTXH với cộng đồng, ngoài ra, một số nước còn có thêm nội dung công tác xã hội với gia đình. Trong các chuyên ngành nêu trên thì CTXH với trẻ em được đặt ở vị trí quan trọng nhất và trên thực tế, việc thực hành lĩnh vực này cũng được hầu hết các quốc gia chú trọng nhiều nhất.

Việc đào tạo về chuyên môn CTXH là một điều kiện quan trọng để được phép hành nghề độc lập. Theo quy định của luật pháp và Hiệp hội CTXH, thì một người muốn hành nghề độc lập như mở văn phòng tư vấn, tham vấn thì ngoài việc phải có bằng cấp chuyên môn về CTXH từ bậc cử nhân trở lên, họ còn phải đệ đơn lên Hiệp hội xin hành nghề độc lập, sau khi trải qua phỏng vấn, nếu đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp và Quy điều đạo đức nghề nghiệp thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề, mới được phép mở văn phòng tư vấn và hành nghề độc lập (giống như việc mở văn phòng luật sư, phòng khám bệnh hay cửa hàng bán thuốc tân dược ở Việt Nam hiện nay).

 Phát triển Trung tâm công tác xã hội trẻ em - một loại hình dịch vụ trong mạng lưới bảo vệ trẻ em

Hầu hết các quốc gia đều chú trọng phát triển hệ thống Trung tâm CTXH với trẻ em ở cấp huyện hoặc ở cụm xã để thực hành cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Cộng hoà liên bang Nga, Thuỵ Điển là những quốc gia có nhiều trung tâm công tác xã hội trẻ em nhất, riêng thành phố Stockhol của Thuỵ Điển, từ năm 2006, đã có tới 27 trung tâm CTXH với trẻ em, các trung tâm này được ngân sách của các quận cung cấp và đặt dưới sự điều hành của các quận. Đây là nơi các em và cha mẹ, người chăm sóc trẻ thường xuyên lui tới, nhất là trẻ em có vấn đề về tâm lý xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bị sao nhãng, bị xâm hại, bị bạo lực. Ngoài giờ đi học các em có thể đến trung tâm để được tư vấn, trị liệu tâm lí xã hội, được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, thậm chí tạm lánh một vài ngày nếu môi trường gia đình có nguy cơ không an toàn. Cán bộ CTXH thực hành tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lí xã hội cho cả trẻ em và cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ tại trung tâm; ngoài ra họ còn thực hành các chuyến vãng gia để trợ giúp các gia đình đang có vấn đề.Trong trường hợp các chuyến đến thăm không thành công và ít nhất là 3 lần liên tục trong khoảng thời gian một tháng mà cha mẹ, người chăm sóc trẻ vẫn không chuyển biến về nhận thức và hành động, trẻ vẫn bị sao nhãng, có nguy cơ bị bạo lực, bị xâm hại thì cán bộ xã hội có thể báo cáo với cấp chính quyền địa phương ra văn bản triệu tập những người này đến ở trung tâm công tác xã hội dành riêng cho các gia đình có vấn đề xã hội, thời gian ít nhất là 3 ngày, một tuần, dài hơn có thể đến một tháng. Trong quá trình ở trung tâm CTXH các gia đình còn được tham gia các buổi học tập, toạ đàm dành cho người lớn về tâm lý của trẻ em, kỹ năng chăm sóc trẻ, đặc biệt là kỹ năng ứng xử, chăm sóc trẻ em cá biệt…

Cộng hoà liên bang Nga cũng là một trong số những quốc gia phát triển mạnh mẽ mạng lưới tổ chức bảo vệ trẻ em, điển hình là bang Costonia, trong năm 2009, toàn bang chỉ có khoảng 1,1 triệu dân nhưng có tới 26 trung tâm CTXH trẻ em và có tới 700 cán bộ công tác xã hội, bình quân 1500 dân có một cán bộ CTXH và khoảng 500 trẻ em có một cán bộ CTXH. Họ thuộc biên chế và do các trung tâm CTXH trả lương nhưng vừa làm việc ở trung tâm vừa thực hành trực tiếp tại cộng đồng. Đặc biệt, nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ bị tổn hại được quản lý và cập nhật thông tin quản lý hàng tháng, toàn bộ thông tin được kết nối mạng để phục vụ cho việc chỉ đạo điều hành từ cơ quan bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp tỉnh. Nói chủ quan, việc áp dụng công nghệ thông tin quản lý trẻ em ở bang Costonia, có lẽ là tốt nhất thế giới. Bên cạnh đó, việc tìm kiếm gia đình chăm sóc thay thế và ngăn ngừa nguy cơ trẻ em bị xâm hại, bạo lực, sao nhãng được các cán bộ CTXH đặc biệt quan tâm, vì ở bang này có khá nhiều bậc phụ huynh nghiện rượu, vì vậy trẻ em dễ rơi vào nguy cơ cao bị sao nhãng, bạo lực. Việc đưa trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại vào các trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng tập trung chỉ là giải pháp cuối cùng và mang tính tạm thời khi mà trẻ chưa tìm được gia đình chăm sóc thay thế.

Hồng Kông là một khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc, trong nhiều năm qua Hồng Kông đã mở rộng khá nhiều trung tâm CTXHvới trẻ em, trong đó có những trung tâm chuyên hỗ trợ trẻ em nghiện ma tuý, trung tâm trẻ em đường phố. Theo kinh nghiệm của Hồng Kông, hầu hết trẻ em sử dụng ma tuý đều được cha mẹ, người chăm sóc trẻ hoặc cán bộ CTXH, các thầy cô giáo phát hiện rất sớm, khi các em chỉ mới sử dụng trong vòng một đến hai tháng chưa đến mức nghiện nặng như ở Việt Nam, trẻ em sử dụng ma tuý được các trung tâm tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý xã hội, tham gia hoạt động lao động, thể thao, các em cũng được nuôi dưỡng tập trung trong một khoảng thời gian nhất định xa môi trường gia đình, trong quá trình đó, trẻ vẫn được học văn hoá bình thường do trung tâm đứng ra tổ chức. Ghi nhận sau một thời gian khoảng 3-6 tháng các em lại được trở về môi trường cộng đồng thì đa phần không sử dụng lại ma tuý hoặc các chất gây nghiện khác.

Trung tâm trẻ em đường phố ở Hồng Kông có nét rất khác biệt với Việt Nam và trẻ em lang thang ở đây cũng rất khác với nước ta. Ở Việt Nam, khi nói đến trẻ em lang thang là nói đến nhóm trẻ phải bỏ nhà đi lang thang kiếm sống, nhưng ở Hồng Kông thì hoàn toàn khác, đây là nhóm trẻ em ham chơi, ban ngày các em vẫn đi học bình thường, nhưng vào buổi tối hoặc ban đêm các em thường tập trung lại với nhau để tổ chức các trò chơi trên đường phố như nhảy múa, ca hát, dance sport, trượt ba tanh, biểu diễn xe đạp nghệ thuật và các trò chơi khác mà trẻ em Hồng Kông thích biểu diễn ở đường phố. Trước tình hình đó, một trung tâm trẻ em đường phố ra đời nhằm thu hút trẻ em, ở đây các em có thể được học, được hướng dẫn các trò chơi mà các em yêu thích, thậm chí cả những trò chơi khá mạo hiểm là leo vách núi, đi xe đạp một bánh… trung tâm còn tổ chức cho các em biểu diễn hoặc thi với nhau. Tất cả những hoạt động này đều được chú ý bảo đảm an toàn cho các em và đều có tổ chức quản lý điều hành chặt chẽ. Trung tâm có mối quan hệ chặt chẽ với cảnh sát, ban đêm nếu phát hiện thấy trẻ em tổ chức các trò chơi theo nhóm ở các đường phố, cảnh sát báo về trung tâm để cử người đến thuyết phục và đón các em về. Sự ra đời trung tâm đã giúp cho các em có được sân chơi an toàn và lành mạnh hơn, không phải tổ chức các trò chơi một cách tự phát gây mất trật tự an toàn đô thị. Tuy vậy, ở Hồng Kông cũng có một số trẻ em bất hoà với cha mẹ, người chăm sóc, chúng bỏ nhà đi chơi một vài ngày và thường tập trung với nhau đi chơi trên đường phố, đối với những trẻ em này thì trung tâm trẻ em đường phố là nơi giúp các em tá túc tạm thời, bảo đảm cho các em sự an toàn trong những ngày xa cha mẹ, người chăm sóc. Cũng tại trung tâm các em được tư vấn tham vấn, trị liệu tâm lý xã hội, tham gia các hoạt động văn hoá thể thao, các trò chơi mà các em yêu thích; sau một vài ngày khi các em tự cân bằng được suy nghĩ, các em lại trở về với ngôi nhà thân yêu của mình. Trung tâm này còn có một cửa hàng nhỏ để các em tham gia bán hàng, và một tiệm ăn để các em nấu ăn, bán cho khách những xuất cơm trưa rẻ tiền, đây cũng là nguồn thu để các em giúp đỡ lẫn nhau khi xa nhà không có tiền ăn.

TS. Nguyễn Hải Hữu

Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em

VIDEO
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH & XÃ HỘI TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: Số 8 Phạm Sư Mệnh - Phường Quang Trung -TP Hải Dương.
Điện thoại : 02203.853.734 Email: soldtbxh@haiduong.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Ông Bùi Thanh Tùng -Giám đốc Sở
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 39
Hôm nay: 111
Tất cả: 840,761