Bảo vệ chăm sóc trẻ em
Chuyện về một cô bé tật nguyền
08/06/2012 12:00:00

Mặc dù không có cả hai cánh tay nhưng bé Nguyễn Thị Sơn Dương vẫn làm một số công việc nhà. Mọi việc được bé làm bằng hai chân khá khéo léo...


Không có đôi tay, song bù lại, bé Sơn Dương sử dụng chân tương đối thành thạo

Ngày 1-2-2008, Nguyễn Thị Sơn Dương chào đời trong niềm vui vô bờ bến của cả đại gia đình. Bởi lẽ, bé là cháu nội đầu tiên của ông Thắng và là đứa con đầu lòng của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Tuyên - Hoàng Thị Lương Hiền. Nhưng, Sơn Dương sinh ra không may mắn như bao trẻ em khác, vì trên em thiếu hẳn đôi tay. Ngày vui của đại gia đình bỗng chốc thành ngày u ám nhất. Mẹ cháu nhiều ngày bỏ bữa. Chị khóc. Khóc vì tủi phận và khóc thương đứa con nhỏ nhoi, vô tội nhưng tạo hóa bắt phải mang trên mình cái số mệnh nghiệt ngã vô cùng.

Buồn là thế, cùng cực là thế, nhưng Sơn Dương hệt như một loài hoa dại kiên cường, có sức sống tiềm tàng, đáng kinh ngạc. Bé vẫn lớn, vẫn hồn nhiên đúng tuổi. Và bây giờ, Sơn Dương có lẽ là cô bé “nổi tiếng” nhất ở làng Bầu, thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng)... 

Khó đôi bàn tay...

Ông nội của Sơn Dương bảo: “Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay, nên dường như nó hiểu được nỗi đớn đau, thiệt thòi quá lớn của mình. Ba năm đầu đời là đủ 3 năm nó khóc. Khóc ngằn ngặt, khóc hết ngày này qua tháng khác. Khóc như thể nó muốn khóc hết phần của những đứa trẻ con cùng trang lứa”. Những ngày ấy, bố mẹ cháu đều vắng nhà vì phải vào ca. Ông nội là người gần gũi, chăm bẵm cháu phần nhiều. Ông Thắng không đếm nổi hằng đêm mình phải ẵm ngửa Sơn Dương đi bao nhiêu vòng quanh căn phòng chật hẹp để dỗ cơn hờn gắt của cháu. Có lẽ, chẵn 3 năm thì 2 ông cháu đã cùng chu du đến hàng trăm cây số trong nhà. Ông Thắng vừa là ông, vừa thay vai trò làm bố, mẹ của cháu.

Ngày ấy, cả làng Bầu đến chơi. Người động viên cũng lắm, người tò mò cũng nhiều. Nghe ai mách gì, ông Thắng cũng lật đật bồng bế cháu lên đường. Hết viện này đến viện nọ, xét nghiệm rồi thăm khám. May thay, ngoài khiếm khuyết đặc biệt trên, thể trạng cháu hoàn toàn khỏe mạnh, trí tuệ phát triển bình thường. Cũng nghe người mách, ông “bán” cháu vào chùa, như một điều mong muốn cháu sẽ được trời phật chở che. Những bước đi chập chững đầu đời của cháu, cả gia đình mừng rơi nước mắt. Biết đi, rồi biết chạy, Sơn Dương cũng đòi chơi các trò như tất cả những bạn bè khác. Đòi xỏ chân vào dép người lớn, chơi đồ hàng rồi đá bóng. Ông nội của cháu nghẹn ngào: “Tội nghiệp nhất là do không có 2 tay, nên cháu không giữ được thăng bằng. Sàn nhà bị ướt cũng ngã, bước lên bậc thềm cũng ngã... Không có tay chống đỡ, nên tất cả những vết thương dồn cả hết lên đầu. Bốn lần răng gẫy, còn rách da, rách mắt thì nhiều như cơm bữa. Có điều, không bao giờ cháu nản chí. Lành vết thương là bắt đầu chạy nhảy”. Ông Thắng bảo: “Giá như ngày mang thai Sơn Dương, con dâu tôi không bị cúm, không phải điều trị kháng sinh, thì cháu tôi đã không khổ đến nhường này!”.

Em muốn ôm cả đất, cả trời

Hôm tôi cùng sư thầy Thích Thanh Hải, ở chùa Bầu (thị trấn Lai Cách) vào tặng cháu quà nhân Tết Thiếu nhi, Sơn Dương mặc quần đùi, tóc tém như một bé trai, đang dùng “tay phải” - chỉ là một đoạn khớp nối ở bả vai - kẹp cái chổi cao quá đầu người để quét hiên. Ở dưới sân, ông nội không ngừng mắng yêu: “Cất chổi đi, con có làm được đâu mà quét!”. Mặc kệ, bé vẫn hăm hở làm, như thể để “ghi điểm” với mọi người. Sau những phút đầu nhút nhát, Sơn Dương bắt đầu quen, lân la đến gần, chủ động chuyện trò với khách. Bé hỏi: “Bác có cái túi gì đấy?”. “Túi máy ảnh đấy” - tôi trả lời. “Bác chụp ảnh cháu đi học nhé”. Không để tôi kịp trả lời, bé chạy vụt vào buồng rồi quay lại, hớn hở với cái ba lô nhỏ xíu trên vai. Anh Tuyên - bố cháu khoe: “Cháu thích đi học lắm, đòi đến lớp suốt. Nhưng em sợ nhất là cháu đến trường không được như ở nhà, lại ngã thì khổ. Nhiều lúc nhìn con ngủ yên lành, tủi thân lắm. Vợ em cũng bàn, Sơn Dương đã lớn thì vợ chồng sinh thêm cho cháu có chị có em. Nhưng em chưa tính đến, muốn tập trung chăm sóc để cháu đỡ thiệt thòi”. Ông nội của bé cũng bảo: “Bà họ của cháu đang là giáo viên dạy lớp 1 ở Trường Tiểu học Lai Cách cũng khuyến khích cháu làm quen mặt chữ và con số. Nó hay đòi ra nhà bà học chữ. Nếu cháu được đi học, tôi sẽ đóng một cái bàn riêng cho cháu”.

Trong suốt buổi chuyện trò, Sơn Dương không một lúc nào ngơi nghỉ. Dù còn nhiều ngượng nghịu, nhưng bé có thể làm được nhiều việc bằng chân. Hai đoạn tay khiếm khuyết chỉ dài chừng 10 cm cũng được cháu sử dụng vào nhiều việc. Nghe lời ông, bé vào nhà, lát sau quay ra với chiếc áo của ông đang kẹp ở một bên "tay". Thấy bác đang nhặt rau muống, bé cũng lon ton lại gần, lấy chân kéo chiếc ghế nhựa ngồi gần. Chân trái kẹp một cọng rau, chân phải vặn cuống một cách khá thành thạo. Nhưng cũng như bao đứa trẻ khác "cả thèm chóng chán", chỉ một loáng, Sơn Dương đã chạy đi chỗ khác. Lần này bé mang ra một hộp chì màu và tập giấy, rồi bày biện ra nhà tô tô, vẽ vẽ. Những chữ cái đơn giản cũng được em dùng chân viết thành công. Tuy không tròn trịa, nhưng cũng thể hiện sự cố gắng rất nhiều. Ông nội của bé tiếp lời: "Cháu luôn muốn tự làm mọi việc y như những trẻ khác, như chải tóc, xúc cơm. Nhưng nhiều lúc thương quá, tôi không để cháu phải làm việc gì. Có lẽ vì thế mà đã làm giảm đi sự chủ động của cháu. Tới đây gia đình sẽ xin cho Sơn Dương đi mẫu giáo để cháu hòa nhập với bạn bè. Còn việc lắp tay giả cho cháu đỡ khổ, tôi đã đi hỏi nhiều nơi rồi. Khó và tốn kém lắm. Bố mẹ nó làm công nhân chỉ đủ ăn và nuôi con. Còn tôi đã già, lấy đâu ra tiền mà lắp?!".

TIẾN HUY (baohaiduong.vn)
VIDEO
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH & XÃ HỘI TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: Số 8 Phạm Sư Mệnh - Phường Quang Trung -TP Hải Dương.
Điện thoại : 02203.853.734 Email: soldtbxh@haiduong.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Ông Bùi Thanh Tùng -Giám đốc Sở
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 38
Hôm nay: 113
Tất cả: 840,763