Bảo vệ chăm sóc trẻ em
Hãy bảo vệ trẻ em trước... nhạc trẻ!
24/04/2012 12:00:00


Tôi mới 20 tuổi nhưng tôi thực sự không thích nhạc trẻ. Đặc biệt là xu thế nhạc trẻ hiện nay. Những câu từ sáo rỗng chỉ hát một vài lần là thấy chán.


Cũng bởi vậy trong thực đơn âm nhạc của tôi, những ca khúc "Lời Bác dặn trước lúc đi xa" hay "Chuyện tình hoa sim" luôn là những ca khúc tôi lựa chọn.

Tôi không có ý hạ thấp nhạc trẻ, cũng không có ý phê phán những người yêu nhạc trẻ. Mỗi người có một sở thích riêng và tôi hiểu điều đó là hiển nhiên, không ai có thể bắt ai theo sở thích của mình. Cái mà tôi muốn đề cập ở đây là nhạc trẻ, những ca khúc trẻ được nhạc sĩ hay chính những ca sĩ của chúng ta vừa sáng tác ra vừa thể hiện đang lan tràn trong cuộc sống rất nhiều, từ làng quê ra phố thị, từ những em bé năm hoặc sáu tuổi đến người lớn đâu đâu cũng thấy thỉnh thoảng rầm rộ lên một vài bài hát mới.

Nhưng những bài hát đó cũng chẳng khác nào ngọn đèn trước gió. Nó chỉ bùng lên một lần rồi tắt hẳn. Nhưng nó cũng kịp thời để lại cho xã hội những vấn đề cần phải lên tiếng, khi ngay cả những đứa trẻ chưa thuộc hết bảng chữ cái vậy mà chúng đã biết hát những câu hát của người lớn "Nếu người ấy không yêu em như anh đã từng yêu...". Thì quả thật chúng ta cần xem lại những ảnh hưởng của nhạc trẻ.

Tôi là một sinh viên, nơi tôi sống là một khu phố yên bình, mỗi buổi chiều những đứa trẻ ở đây lại vui đùa với nhau. Nhìn ngắm những đứa trẻ tôi giật mình khi thấy chúng cùng nhau "xướng" lên một bài hát mà 100% không phải ở độ tuổi của chúng. Những bài hát đại loại như "Vì sao mỗi tối em đi đâu về khuya, vì sao mỗi tối em đi xe người ta..." được chúng thuộc không sai một câu. Không hiểu ai đã dạy những đứa bé có khi đánh vần còn chưa sõi kia. Đây đâu phải những gì mà chúng ta muốn con trẻ học, và câu hát kia đã gieo vào nhận thức non nớt của trẻ em những hiểu biết ban đầu về cuộc sống.

Tôi nhớ một lần về quê thăm nhà chú thím và các em. Vừa bước vào cổng tôi đã nghe thằng anh 13 tuổi quát con em 10 tuổi "Mày hát sai rồi, nghe tao hát đây này", rồi một giọng hát trong trẻo của thằng Nam cất lên "Đàn bà là thế nỗi đau của tôi, làm sao có thể hiểu hết trái tim người đàn bà... đàn bà là thế ai cũng giống như ai...". Chú thím tôi ngồi đấy nghe và cười tán thưởng thằng anh. Tôi băn khoăn bước vào, hai đứa em reo lên "A! chị Mai về".

- Nam vừa hát bài gì thế nhỉ? Tôi thử hỏi.

- Thế mà chị cũng không biết, em hát bài "Đàn bà là thế". Nó tự hào khoe với tôi.

- Ai dạy em hát bài đó?

- Em cần gì ai dạy, trên ti-vi nhà em đấy. Em còn thuộc nhiều bài nữa cơ, em hát cho chị nghe nhé.

Và nó vừa nhún nhảy vừa hát lên những câu hát về tình yêu, tình đời. Người lớn hờ hững với những điều tưởng như đơn giản nhưng nếu ngẫm ra thì nó có thể làm hỏng nhận thức về cuộc sống sau này của con em mình. Những đứa bé như em tôi vẫn ngày ngày ca hát những bài hát nhạc trẻ và quên đi những bài hát gắn liền với tuổi thơ.

Tôi đem suy nghĩ của mình nói với thím, thím nhìn tôi cười ngặt, bảo "Ôi dào kệ chúng nó, chúng nó xem vô tuyền rồi bắt chước ý mà". Rồi thím bảo tôi là quan trọng hóa vấn đề quá. Thím còn kể, ở nhà mở đĩa Xuân Mai mà bọn trẻ không nghe cứ đòi xem Lâm Chấn Huy, Bảo Thy rồi Khánh Phương gì gì đó. Thiết nghĩ nếu bố mẹ những đứa trẻ như chú thím tôi cương quyết không cho xem và dạy bảo chúng thì sẽ làm gì có chuyện chúng thích nhạc trẻ.

Thím tôi còn tự hào khoe cái Dung thế mà nhớ giỏi, nghe trên ti-vi hát có hai, ba lần là nó hát theo vanh vách. Đấy là tâm lý chung của các ông bố bà mẹ, thấy con hát thuộc làu làu những ca khúc yêu đương của người lớn thì trầm trồ khen ngợi, cổ vũ bằng những câu như "con mẹ giỏi quá". Thế là không có lý do gì mà bọn trẻ không hát những bài hát nhạc trẻ đó.

Bây giờ người ta không còn ngạc nhiên khi thấy những đứa trẻ học mầm non hát bài nhạc trẻ nhưng không ai thử suy nghĩ xem nó ảnh hưởng thế nào đến những con em của mình. Những câu hát đại loại như "con gái khi yêu trao hết cho người yêu... mất hết tất cả vì đã trao..." hay "tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc..." sẽ ảnh hưởng gì trong nhận thức của các em sau này?

Ở thành thị, bố mẹ đi làm cả ngày không có thời gian chơi đùa, hát những bài hát thiếu nhi cùng con. Và con em họ ngày ngày "thưởng thức" những giai điệu trẻ trung và đầy tính chất "ái tình" ở trong câu hát. Ngày nào cũng vậy, kênh nào cũng vậy, những chương trình giới thiệu ca khúc mới luôn luôn rầm rộ trong từng giây từng phút quảng cáo thì cũng không đáng ngạc nhiên là tại sao bọn trẻ có thể thuộc được nhiều ca khúc đến vậy. Người ta vẫn nói tâm hồn trẻ em như những tờ giấy trắng, muốn cho chúng trở thành tốt hay xấu thì chỉ cần biết viết lên đó cái gì.

Nhưng dù ở thành thị hay nông thôn thì cái quan trọng vẫn là những quan tâm của xã hội với những mầm non ấy. Chỉ cần những ông bố bà mẹ hiểu và dạy bảo con em mình thì rồi đây khi chúng ta sẽ thấy cô bé cậu bé hát những bài hát quen thuộc của thiếu nhi "Bà ơi bà" hay "Cháu lên ba"... Chúng ta phải lên tiếng bảo vệ trẻ em trước... nhạc trẻ.
VIDEO
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH & XÃ HỘI TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: Số 8 Phạm Sư Mệnh - Phường Quang Trung -TP Hải Dương.
Điện thoại : 02203.853.734 Email: soldtbxh@haiduong.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Ông Bùi Thanh Tùng -Giám đốc Sở
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 41
Hôm nay: 159
Tất cả: 840,809