Bình đẳng giới
Tham vấn Sổ tay truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
27/06/2014 12:00:00

Sáng ngày 26/6/2014, tại Hà Nội, Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao đông – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Hòa bình và Phát triển Tây Ban Nha tổ chức Hội thảo tham vấn Sổ tay truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Bà Vũ Ngọc Thủy – Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới chủ trì Hội thảo. Tham dự còn có cán bộ làm công tác bình đẳng giới của một số Bộ, ngành, địa phương; Phóng viên của một số cơ quan thông tấn báo chí cùng các Chuyên gia về giới.
                                 
Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị là nội dung quan trọng đã được quy định tại Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới và trong cam kết của Chính phủ Việt Nam về triển khai thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như Công ước CEDAW; Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các vị trí quản lý, lãnh đạo. Đặc biệt ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về nội dung này như: Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, ...
 
 
Bà Vũ Ngọc Thủy phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, bà Vũ Ngọc Thủy cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ về thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới những năm gần đây cho thấy: Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp còn đạt ở mức thấp: TW là 9%, cấp tỉnh 11,3% và cấp xã- huyện đạt khoảng 15-17%; Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 24,4%, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đạt không quá 25%; 50% ở các Bộ, ngành TW và 38 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt. Với những con số nêu trên cho thấy Mục tiêu về giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị được đặt ra tại NQ 11 và Chiến lược quốc gia về BĐG có nguy cơ không đạt kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2011-2015. Để góp phần thúc đẩy thực hiện đạt mục tiêu về giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị, trên cơ sở xác định truyền thông thay đổi nhận thức là kênh quan trọng cần thực hiện, Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Tổ chức Hòa binh và Phát triển Tây Ban Nha xây dựng cuốn Sổ tay thúc đẩy truyền thông trong kĩnh vực chính trị.
Tiếp đó, các đại biểu được nghe ông Trần Phong - một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông trong lĩnh vực bình đẳng giới xây dựng cuốn Sổ tay truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị giới thiệu về sự cần thiết và mục đích sử dụng của cuốn Sổ tay; Cấu trúc và nội dung của cuốn Sổ tay. Theo đó, mục tiêu cuốn sổ tay để chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc và kỳ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, cuốn sổ tay này nhằm mục đích hướng dẫn nội dung, phương pháp, kỹ năng  tuyên truyền, thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về BĐG trong lĩnh vực chính trị, cụ thể giúp cho người sử dụng: Biết được các thông tin nổi bật về thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị trong nước và quốc tế (cơ chế, chính sách, pháp luật, số liệu và bài học kinh nghiệm); Nắm được các nguyên tắc cơ bản trong truyền thông nhằm thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi và cách ứng xử trong lĩnh vực bình đẳng giới trong tham chính; Nhận biết và phân tích được các vấn đề then chốt trong truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong tham chính  nhằm xác định mục tiêu truyền thông phù hợp; Có khả năng xây dựng các chiến dịch và hoạt động truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong tham chính góp phần vào việc thực hiện tốt các mục tiêu quốc gia số 1 về BĐG; Biết lựa chọn thông điệp truyền thông thích hợp nhằm thúc đẩy phụ nữ tham chính chuẩn bị cho bầu cử 2016-2020.
Đối tượng sử dụng cuốn sổ tay gồm: Cán bộ trực tiếp làm về BĐG/VSTBPN thuộc ngành LĐTBXH và các Bộ/Ban/ngành cơ quan TW; Phóng viên/Các cơ quan truyền thông; Giảng viên/Tập huấn viên và công tác viên về BĐG các cấp.
Về cấu trúc, theo bản thảo lần 1cuốn Sổ tay dự kiến có 09 chương, dài 98 trang bao gồm: Chương 1. Sự cần thiết tuyên truyền về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị; Chương 2.Thực trạng bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị trong nước và quốc tế; Chương 3. Cách tiếp cận và các nguyên tắc truyền thông thúc đẩy BĐG trong tham chính; Chương 4. Các bước cơ bản của một hoạt động truyền thông hữu hiệu; Chương 5. Xây dựng và tiến hành chiến dịch truyền thông; Chương 6. Kỹ năng thực hiện một số hoạt động truyền thông tiêu biểu; Chương 7. Báo chí và truyền thông về thúc đẩy BĐG trong tham chính; Chương 8. Xây dựng và sử dụng thông điệp, áp phích và Chương 9. Kỹ năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục ở cơ sở.
Trao đổi, thảo luận về dự thảo cuốn Sổ tay, các đại biểu đều cho rằng những nội dung đưa ra mang tính thực tiễn và khả thi, phù hợp với bối cảnh pháp lý, có nhiều sáng kiến hay. Sổ tay mang tính minh họa và hướng dẫn kỹ năng cao chứ không thuần túy đưa ra lý thuyết. Các kiến thức, kỹ năng đều có hướng dẫn thực hiện bằng những ví dụ cụ thể để người sử dụng dễ áp dụng. Hình thức trình bày sổ tay dễ sử dụng, lô gich, cuốn hút, bắt mắt, có hình ảnh minh họa. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Sổ tay cần xác định rõ đối tượng là ai để xây dựng nội dung cho phù hợp với từng đối tượng. Truyền thông BĐG hiện nay tập trung quá nhiều vào yêu cầu về quyền mà quên mất cần tuyên truyền vào việc phụ nữ tham gia vào chính trị, hoạt động của cộng đồng sẽ mang lại lợi ích cho xã hội, gia đình như thế nào? Ngoài ra cũng cần bổ sung, gộp một số chương vào để tạo điểm nhấn; tên cuốn Sổ tay nên đối thành Cẩm nang...
 
VIDEO
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH & XÃ HỘI TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: Số 8 Phạm Sư Mệnh - Phường Quang Trung -TP Hải Dương.
Điện thoại : 02203.853.734 Email: soldtbxh@haiduong.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Ông Bùi Thanh Tùng -Giám đốc Sở
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 53
Hôm nay: 291
Tất cả: 807,775