Bình đẳng giới
Nữ công nhân khu công nghiệp khó lấy chồng
23/09/2013 12:00:00

Môi trường làm việc chủ yếu là nữ, liên tục tăng ca, công việc lấy đi của họ quá nhiều quỹ thời gian khiến cho cơ hội tìm kiếm "nửa kia" của nhiều nữ công nhân khó khăn. 

 


B.T.Huyền (trái) tốt nghiệp ĐH đi làm công nhân lương hơn 3 triệu đồng/tháng.

 

Ngày làm, tối ngủ

Tuy là ngày chủ nhật nhưng xóm trọ xập xệ gần khu công nghiệp Nam Sách khá im ắng. Chị Nguyễn Thị Luyến (31 tuổi, quê huyện Bình Lục, Hà Nam) bộc bạch: "Ở đây mọi người thường tranh thủ ngày nghỉ hiếm hoi để ngủ bù. Ngày nào cũng làm gần 12 tiếng, sáng 7 giờ 30 vào ca, tối 8 - 9 giờ mới về. Mỗi tháng lại làm thêm 1 - 2 ngày chủ nhật nên lúc nào cũng thèm ngủ. Thời gian nghỉ ngơi còn không có, hơi đâu mà nghĩ tới chuyện giải trí, riêng tư".

Chị Hoàng Thị Toan, 33 tuổi, công nhân Công ty TNHH May mặc quốc tế Phú Nguyên chia sẻ: "Trước khi làm ở công ty này, tôi đã có gần 3 năm làm ở Công ty CP May 2 Hải Dương với 4 lần chuyển chỗ ở. Đặc thù là công ty may mặc, nữ công nhân chiếm đa số, ngày nào cũng làm miết từ sáng đến tối, chỗ ở lại không ổn định nên chẳng có thời gian đâu mà kết bạn, giao lưu. Trước đây phòng trọ của tôi có 4 người, đầu năm vừa rồi một người đã lập gia đình, còn lại 3 người, người lớn tuổi nhất là 34, nhỏ nhất là 28. Nhiều lúc nghĩ đến hoàn cảnh của mình cũng chạnh lòng lắm".

Chị Vũ Thị Trang, 30 tuổi, công nhân Công ty TNHH Thiên Sư Việt Nam đã làm công nhân được 9 năm với 3 lần chuyển chỗ làm. Ở đâu cường độ làm việc cũng căng thẳng, tăng ca, cánh cửa giao tiếp với bên ngoài gần như đóng kín. Chị Trang cho biết: "Tôi cũng từng có một mối tình nhưng không thành. Từ đó tới nay, tôi không yêu ai, mà thật ra là rất ít có cơ hội ra ngoài gặp gỡ và tìm hiểu. Mỗi lần về quê bố mẹ cứ giục lấy chồng, tôi chỉ đành ậm ừ cho qua chuyện".

Chị Lê Thị Liên, công nhân Công ty TNHH Haivina có gần 10 năm làm công nhân và cũng đã trải qua 2 mối tình nhưng đều tan vỡ do người thì không hợp, người thì không thông cảm vì công việc phải làm ca kíp, đi sớm về muộn. Sau 2 mối tình không thành, chị sống khép mình hơn, chỉ biết lấy công việc làm niềm vui, vừa để đỡ đần bố mẹ ở quê  nuôi hai đứa em ăn học vừa để quên đi chuyện buồn. Giờ chị muốn mở lòng thì tuổi đã ngoài 30, cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm gần như không có... Nhìn bức tường trong phòng trọ của chị, chúng tôi không khỏi xót xa khi nhìn những dòng chữ đầy tâm sự: "Tuy tôi cười mà tim tôi nhỏ lệ"; "Thủy ơi, chả nhẽ mày cứ chôn chân mãi ở chốn này sao"...

 


Bên cạnh nỗi lo tài chính, "sợ ế chồng" cũng là vấn đề đối với những nữ công nhân khu công nghiệp. 

Cần tạo "sân chơi" cho chị em

 Hiện nay, nữ công nhân kết hôn muộn ngày càng có xu hướng gia tăng, thậm chí nhiều người quá lứa, lỡ thì đành "ở vậy". Nguyên nhân chính là do thời gian làm việc nhiều, công nhân ít được nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động xã hội. Cùng với đó là đời sống tinh thần nghèo nàn, không ti -vi, không đài, không máy tính, không văn hóa, văn nghệ. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, họ thường chỉ biết lăn ra ngủ. Vì vậy, cơ hội giao lưu, chia sẻ giữa những người bạn khác giới rất hạn chế. Ông Phạm Hồng Hải, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh cho biết: "Đời sống tinh thần của công nhân lao động nói chung và công nhân nữ nói riêng tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất thiếu thốn. Thời gian của họ chủ yếu ở trong nhà máy, ít tiếp xúc với bên ngoài, cơ hội gặp gỡ tìm kiếm hạnh phúc vì thế cũng ít, nhưng để tạo điều kiện cho nữ công nhân làm quen với đối tượng khác giới để tiến tới xây dựng gia đình thì chúng tôi cũng đang bí".

Toàn tỉnh hiện có gần 100 nghìn lao động, trong đó hơn 60% là lao động nữ. Để giúp cho công nhân lao động có thêm cơ hội giao lưu, tìm hiểu, liên kết bạn bè, thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh, các công đoàn cơ sở cũng đã tổ chức nhiều hoạt động như giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... Tuy nhiên, các hoạt động này cũng mới chỉ mang tính phong trào, tổ chức lồng ghép với các buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật hoặc tập trung vào dịp Tháng công nhân... nên hiệu quả chưa cao... Vì vậy, để nâng cao đời sống tinh thần của công nhân lao động, nhất là lao động nữ, Liên đoàn Lao động các cấp, các công đoàn cơ sở cần tổ chức các buổi sinh hoạt chung như: hội diễn, hội thao, hội thi và các trò chơi... để công nhân lao động có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ, yên tâm gắn bó đồng hành cùng doanh nghiệp, góp phần xây dựng doanh nghiệp phát triển ổn định. Đặc biệt, cần phải phát huy hiệu quả hơn nữa các mô hình: "Tổ công nhân tự quản", "Ki - ốt thông tin", "Góc thân thiện"... Các tổ chức công đoàn cùng lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm chăm lo đời sống người lao động cả về vật chất lẫn tinh thần, hỗ trợ người lao động nâng cao trình độ văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao sau thời gian lao động, tổ chức cho người lao động đi tham quan, du lịch... Chủ doanh nghiệp cần tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội giao lưu, học hỏi, phải coi việc chăm lo đời sống cho người lao động vừa là trách nhiệm vừa là nghĩa vụ của mình và đó cũng là chăm lo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

N.H

VIDEO
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH & XÃ HỘI TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: Số 8 Phạm Sư Mệnh - Phường Quang Trung -TP Hải Dương.
Điện thoại : 02203.853.734 Email: soldtbxh@haiduong.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Ông Bùi Thanh Tùng -Giám đốc Sở
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Đang truy cập: 98
Hôm nay: 430
Tất cả: 796,558