Tin tức ngành
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Kiên định thực hiện các mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm
15/07/2021 10:39:09

“Trong 6 tháng cuối năm 2021, nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ, ngành LĐ-TBXH rất nặng nề, tuy nhiên, toàn ngành sẽ tiếp tục kiên định thực hiện các mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm, không thay đổi các chỉ tiêu”. Đây là nội dung được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg theo hình thức trực tuyến, diễn ra vào sáng 14/7.

“Trong 6 tháng cuối năm 2021, nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ, ngành LĐ-TBXH rất nặng nề, tuy nhiên, toàn ngành sẽ tiếp tục kiên định thực hiện các mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm, không thay đổi các chỉ tiêu”. Đây là nội dung được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đưa ra tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg theo hình thức trực tuyến, diễn ra vào sáng 14/7.

Các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội cơ bản hoàn thành.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, trong tình hình dịch bệnh và tác động của các yếu tố ngoại cảnh, 6 tháng đầu năm 2021, toàn ngành LĐ-TBXH đã nỗ lực rất lớn, các địa phương với quyết tâm và cách làm sáng tạo của mình, các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội cơ bản hoàn thành.
Đời sống người nhân dân được ổn định, nhất là khu vực nông nghiệp; các đối tượng lao động tự do tuy bị ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng được Đảng, Nhà nước, địa phương quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện; chính sách người có công, bảo trợ xã hội được thực hiện tương đối đồng bộ, kịp thời; ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, từng bước thực hiện việc nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo; đặc biệt đề xuất được các chủ trương, chính sách...
“Trước tác động của đại dịch, chúng ta đã chủ động tham mưu cho Đảng, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Nhiều địa phương đã chủ động ban hành những chính sách đặc thù, vượt trội chăm lo cho người lao động, người có công, hộ nghèo, người yếu thế” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, công tác cai nghiện trong 6 tháng qua cho thấy từng bước có hiệu quả, nhất là trong tình hình chúng ta đang thực hiện Luật Phòng, chống ma túy. Số lượng người đưa vào các cơ sở cai nghiện tăng lên nhưng đảm bảo an toàn. Các cơ sở bảo trợ xã hội, chăm sóc trẻ em, phòng chống ma túy, chăm sóc người già chưa để xảy ra tình trạng có F0, F1. Đây là sự cố gắng rất lớn của chúng ta cần biểu dương.
Cho rằng 6 tháng cuối năm 2021 nhiệm vụ đặt ra đối với Bộ, ngành LĐ-TBXH rất nặng nề, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn toàn ngành sẽ tiếp tục kiên định thực hiện các mục tiêu đã đặt ra từ đầu năm. Không đặt ra việc thay đổi chỉ tiêu, kiên định mục tiêu tổng quát của ngành, đó là: Đảm bảo sự ổn định, phát triển của thị trường lao động một cách linh hoạt, thích ứng nhằm huy động hiệu quả nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Đi vào các vấn đề cụ thể, đối với lĩnh vực người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm nay do tình hình dịch bệnh, Trung ương không tổ chức các chương trình, hoạt động quy mô lớn nhưng không vì thế mà không quan tâm người có công. Trước hết là tất cả các chính sách NCC mà Chủ tịch nước và Chính phủ quyết định, các địa phương phải tổ chức triển khai thật tốt, làm sao để các chính sách này đến được với người có công nhanh nhất, đúng nhất, đầy đủ nhất. Đồng thời tổ chức các hình thức thăm hỏi phù hợp. Nơi chưa có dịch, không có dịch càng phải quan tâm hơn. Nơi có dịch thì có hình thức phù hợp để thăm hỏi, động viên, chăm lo.
Đối với các đối tượng yếu thế như người nghiện, người già, các cơ sở bảo trợ, cơ sở SOS, các cơ sở cai nghiện cần có hình thức phù hợp để chăm lo, đảm bảo đời sống, ổn định, đảm bảo xây dựng môi trường tốt, đấu tranh phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ, nhất là tai nạn thương tích, đuối nước đối với trẻ em.
Chú trọng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là kỹ năng lao động, đào tạo, đào tạo lại lao động gắn với thị trường lao động. Có kế hoạch phục hồi thị trường lao động.
"Hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần phối hợp thật tốt với các doanh nghiệp để chỉ đạo xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng. Đây là lần đầu tiên, gói hỗ trợ cho phép sử dụng khoảng 4.500 tỷ đồng để dành cho công tác đào tạo phục hồi giữ chân người lao động hậu Covid-19. Đây là thời cơ vàng với doanh nghiệp khi được hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo cho người lao động" - Bộ trưởng lưu ý.
Về công tác giảm nghèo, Bộ trưởng giao cho Văn phòng quốc gia về giảm nghèo đôn đốc trong tuần này cần tham mưu đề xuất mức chuẩn nghèo mới cho giai đoạn tới. Qua đó nhằm phục vụ cho các cuộc họp tới đây của Quốc hội bàn về giảm nghèo với các nội dung như: Chuẩn nghèo, tiêu chí, cách thức phân loại, đánh giá…
Tiến tới thực hiện nguyên tắc: sống chung với dịch
Lo lắng nhất của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng về lao động. Dẫn chứng những con số cụ thể do tác động của dịch Covid-19 thời gian vừa qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin: trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%....
“Nói như vậy để chúng ta phải có trách nhiệm. Những đơn vị chưa bị ảnh hưởng dịch phải tập trung củng cố thị trường lao động. Những đơn vị đang bị ảnh hưởng thì có kế hoạch phục hồi sau dịch, biến nguy thành cơ, để đào tạo nguồn nhân lực” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Về “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế -xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng phải kiên định thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ nhưng nhận thức về mục tiêu kép cũng phải đổi mới. Đó là tiến hành đồng thời song song cả phát triển kinh tế vừa phòng, chống dịch ở những nơi mà dịch chưa tấn công. Còn nơi dịch đang tấn công thì ưu tiên phòng, chống dịch. Nơi chưa có dịch thì tập trung vào phát triển kinh tế. Tiến tới thực hiện nguyên tắc: sống chung với dịch. Khi tỷ lệ tiêm vắc xin của chúng ta cơ bản đạt mức độ miễn dịch cộng đồng, phấn đấu năm nay đạt 70%.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng lưu ý, đối với phòng, chống dịch và thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 phải lấy an toàn cho người dân là trước hết, không được để ai bị đói, bị thiếu cơm, thiếu mặc. Tinh thần là đảm bảo cuộc sống, nhất là quan tâm người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.
Với phương châm như vậy, Bộ trưởng yêu cầu việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 trên toàn quốc phải rất khẩn trương. Các địa phương có Nghị quyết của UBND tỉnh thì tập trung triển khai hỗ trợ ngay, địa phương nào chưa tiến hành thì phải khẩn trương trong tuần này, không chậm trễ. 
"Với tư tưởng của Chính phủ, nếu đơn vị nào chậm triển khai là có lỗi với dân, không chỉ là trách nhiệm, bằng cả tấm lòng. Nếu để xảy ra trục lợi, tiêu cực là có tội. Với tinh thần đó, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao hơn, bằng cả hành động, cả trái tim, tấm lòng với người nghèo, người khó khăn. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, khi người dân cần thì cần phải được hỗ trợ ngay. Đến khi no cơm ấm áo rồi thì ý nghia bị giảm đi" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Tại các khu công nghiệp, Bộ trưởng lưu ý đây là "pháo đài" quan trọng, bằng mọi giá phải bảo vệ. Bộ trưởng đề nghị thực hiện nguyên tắc: Chỉ khi nào thực sự an toàn thì mới sản xuất kinh doanh. Nếu không an toàn và dự báo không an toàn thì dừng hoạt động, thực hiện phương châm 3 tại chỗ: sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ theo phương án giãn cách, có phương án an toàn: an toàn cả trong khu vực sản xuất kinh doanh, an toàn ở địa bàn dân cư.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải chủ động trong việc triển khai Nghị quyết 68. Với chính sách thứ 12 hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác, căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương. Bên cạnh hỗ trợ về tiền cũng quan tâm đến các hình thức hỗ trợ khác như cây gạo ATM, siêu thị 0 đồng, cơm từ thiện, chợ, rau, hoa quả…với nhiều hình thức linh hoạt trong việc hỗ trợ.
Cho rằng các chính sách được Chính phủ ban hành đã cởi mớ, thông thoáng hết mức, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu các địa phương, các ngành không cần thêm bất kỳ thủ tục nào. Tư tưởng thực hiện chính sách đưa ra phải dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm, dễ kiểm tra đôn đốc, không cầu toàn vì trước nay chính sách hỗ trợ này chưa có tiền lệ, do vậy không quá nặng nề về thủ tục.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, coi dịch là cơ hội, biến nguy thành cơ, coi đây là thời cơ để đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong ngành, số hóa hồ sơ, số hóa danh sách hộ nghèo, bảo hiểm thất nghiệp…ứng dụng các công nghệ trong quản lý của Ngành.
Về công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục rà soát kiểm tra xem lại các vấn đề quản lý lao động nước ngoài ở Việt Nam. Đảm bảo người lao động người ngoài nhập cảnh vào làm việc doanh nghiệp phải là các chuyên gia những lao động kỹ thuật mà Việt Nam chưa đảm đương được hoặc chưa có tránh tình trạng lách luật đưa ào ào vào.

Cuối cùng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng, toàn ngành sẽ biến dịch thành thời cơ, khó khăn mấy cũng phải vượt qua. Bộ trưởng đề nghị tổ chức Công đoàn tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện các chính sách, đặc biệt là việc vay vốn vay trả lương cho người lao động. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội, các ngành chung tay cùng ngành LĐ-TBXH quyết tâm thực hiện thành công các các nhiệm vụ, góp phần cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh và thực hiện hoàn thành “mục tiêu kép” của Chính phủ. 

VIDEO
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH & XÃ HỘI TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: Số 8 Phạm Sư Mệnh - Phường Quang Trung -TP Hải Dương.
Điện thoại : 02203.853.734 Email: soldtbxh@haiduong.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Ông Bùi Thanh Tùng -Giám đốc Sở
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 37
Hôm nay: 386
Tất cả: 840,648