Tệ nạn xã hội
Một ngày ở trung tâm cai nghiện
10/07/2012 12:00:00

Học viên trung tâm lao động trị liệu và học nghề

Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục và lao động xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) nằm trên một ngọn đồi rộng 17 ha thuộc khu dân cư Cầu Dòng, phường Cộng Hòa (Chí Linh). Những dãy nhà làm việc, nhà ở của cán bộ, nhân viên và các khu nhà ở, điều trị bệnh nhân, nơi sản xuất, sân chơi thể thao của học viên được xây dựng mới khang trang, rộng rãi.

Anh Vũ Thành Phương, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: Một ngày của cán bộ, học viên được bắt đầu lúc 5 giờ 30. Cán bộ từng đội đánh thức các học viên dậy tập thể dục, vệ sinh. Đến hơn 7 giờ, các lớp sinh hoạt tập trung vào các chủ đề về đạo đức, trách nhiệm với gia đình và xã hội, tác hại của ma túy. Sau đó, học viên đến khu nhà sản xuất để lao động trị liệu. Buổi chiều, học viên tiếp tục lao động trị liệu, chơi bóng đá, bóng chuyền, tập tạ để rèn luyện sức khỏe. Buổi tối, các học viên  nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách đọc báo, nghe đài, xem ti - vi. Đến 21 giờ 30, mọi người đi ngủ. Hằng tuần, trung tâm tổ chức chào cờ vào buổi sáng đầu tuần nhằm đánh giá ưu điểm, khuyết điểm của các tổ, lớp; tuyên dương những học viên chấp hành tốt kỷ luật lớp học, của đội và nhắc nhở, kiểm điểm những học viên mắc lỗi. Các hoạt động giáo dục phục hồi hành vi nhân cách có tác dụng tốt. Tình trạng đánh nhau, gây gổ trong các học viên được khắc phục. Các học viên được giáo dục từ tác phong ăn mặc, nói năng, sinh hoạt, nhiều học viên có sự chuyển biến tích cực so với trước khi vào trung tâm.

Vào thăm các lớp của đội 1, chúng tôi thấy các học viên đang cần mẫn làm việc. Công việc của họ là làm mi mắt giả. Các học viên ngồi thành từng hàng ngay ngắn, tay họ thoăn thoắt lướt trên máy, tỉ mỉ làm ra từng chiếc mi mắt giả. Các học viên của đội 2 thì bận rộn với việc dán giấy bạc, học viên đội 3 làm thiệp. Các học viên của cả 3 đội đang làm những công việc đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay, kiên nhẫn. Những điều này, trước đây ở ngoài xã hội họ chưa bao giờ làm được. Ở ngoài các vườn đồi, một số học viên đang phát quang bụi rậm, cỏ tranh, đánh luống trồng rau. Họ làm việc mải miết trong cái nắng chang chang mùa hè. Anh Phạm Xuân Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo, tái hòa nhập cộng đồng của trung tâm cho biết: “Mới chỉ 3 tháng các học viên đã biến khu vườn đồi cằn cỗi thành những ruộng, vườn rau xanh tốt, chuồng đầy lợn để cải thiện bữa ăn”.

Học viên P.T.N (sinh năm 1987, quê ở Kinh Môn) cho biết: “Do tuổi trẻ nông nổi, nghe chúng bạn rủ rê nên em nghiện ma túy từ năm 2003. Vào đây, em được các thầy trong trung tâm hết lòng dạy dỗ, giúp em nhận ra tác hại của ma túy và những giá trị của cuộc sống. Điều kiện cuộc sống, sinh hoạt ở trung tâm mới khá tốt. Em sẽ quyết tâm cai nghiện và học nghề để sớm trở về sống có ý nghĩa hơn. Chúng em chỉ mong xã hội không kỳ thị, xa lánh”.

Để việc cai nghiện, chữa bệnh, giáo dục và lao động của học viên thu được những kết quả tích cực, trung tâm đã thay đổi mô hình quản lý cho phù hợp với cơ sở vật chất mới. Trước đây, ở trụ sở cũ, trung tâm chỉ phân lớp để giáo dục, quản lý, với 7 lớp cai nghiện, trong đó có 6 lớp cai nghiện bắt buộc, 1 lớp cai nghiện tự nguyện. Còn hiện tại, trung tâm phân chia quản lý học viên theo mô hình đội. Trung tâm đã thành lập 3 đội, mỗi đội quản lý từ 100 - 150 học viên, trong mỗi đội chia thành các lớp để giúp cho việc quản lý, học tập, chữa bệnh, lao động của cán bộ, học viên trung tâm được tốt hơn. Hiện trung tâm có 12 lớp, trong đó có 11 lớp cai nghiện bắt buộc, 1 lớp cai nghiện tự nguyện. Với việc phân chia như vậy, cán bộ trung tâm vừa có điều kiện sâu sát, gần gũi, quan tâm, động viên được nhiều hơn tới học viên và cũng dễ quản lý hơn. Mặt khác, cán bộ trung tâm cũng phải thay đổi phương pháp quản lý, giáo dục để phù hợp hơn. Trung tâm hiện có hơn 400 đối tượng cai nghiện, họ đều là những người nghiện ma túy nhiều năm, nhiều người thuộc thành phần phức tạp ở ngoài xã hội nên công tác quản lý, giáo dục gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải linh hoạt, kiên trì. Các học viên vào trung tâm phải chấp hành đúng thời gian cai nghiện 24 tháng, với 5 giai đoạn, gồm: giai đoạn tiếp nhận, phân loại; giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; giai đoạn giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; giai đoạn lao động trị liệu, học nghề và giai đoạn phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng. Mỗi giai đoạn, trung tâm đều tuân thủ theo đúng quy trình, quy định. Với cách điều trị trên, học viên đều đã cắt cơn.

VIỆT CƯỜNG ( Báo Hải Dương)

VIDEO
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH & XÃ HỘI TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: Số 8 Phạm Sư Mệnh - Phường Quang Trung -TP Hải Dương.
Điện thoại : 02203.853.734 Email: soldtbxh@haiduong.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Ông Bùi Thanh Tùng -Giám đốc Sở
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 39
Hôm nay: 97
Tất cả: 840,747