Giảm nghèo - Bảo trợ xã hội
Trẻ mồ côi cần được quan tâm nhiều hơn
23/09/2013 12:00:00

Theo số liệu thống kê gần đây, ở Việt Nam có khoảng 1.500.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có khoảng 176.000 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi. Đây là những đối tượng xã hội không chỉ là nỗi bất hạnh của bản thân các em mà còn là nỗi đau xót của gia đình, người thân và là gánh nặng cho xã hội, cộng đồng. Vì vậy, việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em cần được nghiên cứu, tiếp cận như là một vấn đề xã hội với hàng loạt nội dung quan trọng, cấp bách chứ không chỉ ở góc độ nhân đạo và một hiện tượng xã hội. Chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT-TMC TP.Đà Nẵng về vấn đề này.


Trẻ mồ côi - một vấn đề xã hội

 Xuất phát từ truyền thống đạo lý của dân tộc ta, việc chăm lo cho những người bất hạnh trong đó có trẻ mồ côi và trẻ bị bỏ rơi đã được Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội quan tâm trợ giúp, góp phần cải thiện cuộc sống và nâng cao vị thế trong xã hội. Tuy nhiên trước những đòi hỏi của cuộc sống ngày càng phát triển và xã hội ngày càng hiện đại, trẻ mồ côi lại nảy sinh những vấn đề và thách thức mới. Đó là:

Sự gia tăng về số lượng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi làm nảy sinh hàng loạt vấn đề về sức khỏe - y tế, ăn mặc, đi lại, học hành và các nhu cầu vật chất, tinh thần khác, đòi hỏi sự quan tâm giải quyết của Nhà nước và cộng đồng xã hội.

Vì nhiều lý do mà hầu hết số cháu mồ côi, bị bỏ rơi không đủ điều kiện dinh dưỡng để phát triển thể chất dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn những khiếm khuyết về sức khỏe trong cơ thể. Mức trợ cấp cho trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi tại các cơ sở nuôi dưỡng của Nhà nước khó có thể bảo đảm đủ năng lượng sống phát triển của các cháu. Những cháu ở cộng đồng thì đời sống còn nhiều bấp bênh, không ổn định.

Điều kiện và khả năng học hành, tiếp cận và tiếp thu các yêu cầu về giáo dục - đào tạo có nhiều cháu bị hạn chế. Sự khiếm khuyết về giáo dục dễ dẫn các cháu đến những méo mó về nhân cách trong quá trình phát triển gây ra những trở ngại, thiệt thòi cho các cháu khi tiếp cận nghề nghiệp, công ăn việc làm, thu nhập....

 
Cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi - giải pháp tình thế cần thiết và còn lâu dài

 Kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực trẻ em mồ côi giúp chúng tôi nhận ra rằng, hiện nay, trẻ mồ côi đang được chăm sóc theo một số mô hình cơ bản như: Sống tại cộng đồng với những người họ hàng hoặc sự bảo trợ của bà con; được nhận làm con nuôi tại các gia đình trong và ngoài nước; sống trong các cơ sở nuôi dưỡng của các tổ chức từ thiện - xã hội, các tổ chức tôn giáo, các cơ sở nuôi dưỡng của Nhà nước hoặc tư nhân hoặc sống lang thang không có nơi chốn cố định (trong số này có một số cháu bị lạm dụng sức lao động và các loại lạm dụng khác, trẻ em lang thang...).

Mỗi phương thức sống ấy bên cạnh những mặt phù hợp và tích cực đều có thể có những mặt trái và tiêu cực do những yếu tố chủ quan hoặc khách quan (xã hội, môi trường sống, hoàn cảnh cụ thể của những đối tượng liên quan, động cơ nuôi dưỡng...). TMC dù được nuôi dưỡng ở cộng đồng hay trong các Trung tâm, cơ sở, nếu có những người giám hộ tốt, có trách nhiệm và điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng thì các cháu sẽ có môi trường thuận lợi để sống, phát triển và hòa nhập thuận lợi. Ngược lại, nếu không được quan tâm chăm sóc, giáo dục các em sẽ rất dễ bị lạm dụng có thể trở thành nạn nhân của những động cơ xấu xa và có nguy cơ vi phạm pháp luật, trở thành tội phạm.

Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, nhưng chung quy, theo chúng tôi, là do quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập, việc hướng dẫn, kiểm tra, chế tài việc thực hiện còn bị buông lỏng; cơ quan và người quản lý các cơ sở này còn xem nhẹ các quy định của Nhà nước hoặc chủ quan, đơn giản khi tổ chức thực hiện; chưa coi trọng tính chuyên nghiệp trong công tác xã hội này, nhiều người tham gia công việc nuôi dạy trẻ mồ côi bằng nhiệt tâm hơn là chuyên môn, nghiệp vụ nên kết quả có phần bị hạn chế, khó đạt hiệu quả nuôi dưỡng cao.

Để khắc phục những hạn chế của các cơ sở nuôi dưỡng, theo tôi cần tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước về mặt luật pháp cũng như chỉ đạo thực hiện. Tăng cường nhận thức và trách nhiệm của các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, tính chuyên nghiệp của CTXH và năng lực nghiệp vụ của những người tham gia hoạt động này thông qua công tác đào tạo bồi dưỡng của các cơ quan quản lý. Như vậy, các cơ sở này sẽ phát huy tác dụng và trở thành phương thức nuôi dưỡng các cháu mồ côi một cách tốt và có hiệu quả nhất trong tình hình hiện nay.


 Mái ấm gia đình - ngôi nhà hạnh phúc cho trẻ mồ côi

 Có cha, có mẹ, có một mái nhà... là điều tất yếu, rất gần gũi và thân thuộc với mỗi người bình thường nhưng là một ước mơ tha thiết và cũng là nỗi niềm đau đáu của những trẻ mồ côi. Làm sao để giấc mơ ấy trở thành hiện thực là trách nhiệm xã hội và thể hiện tính nhân văn sâu sắc của xã hội chúng ta.

Với trách nhiệm là một tổ chức bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội chúng ta đã làm rất nhiều việc, mỗi việc đều có ý nghĩa và hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, theo chúng tôi, tìm được mái ấm gia đình cho mỗi cháu là điều có tác dụng lâu bền và cơ bản nhất. Vì khi ấy, chúng ta mới đưa các cháu trở về với cái tất yếu, gần gũi và thân thuộc nhất với cuộc sống con người của các cháu.

Thành Hội Đà Nẵng hiện nay có 2 Trung tâm nuôi trẻ mồ côi: Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi Hoa Mai (với 50 cháu từ 6 đến 17 tuổi) và Trung tâm nuôi trẻ mồ côi cô nhi Đà Nẵng (với khoảng 10 cháu từ mới sinh đến khoảng 3 tuổi)), với tổng cộng 60 cháu. Được sự tài trợ qua một Dự án đã ký kết với ASSORV (Pháp) trong vòng 50 năm và các tổ chức và cá nhân nhà tài trợ và người hảo tâm cũng như gia đình nhận trẻ làm con nuôi, cùng với một đội ngũ những cán bộ và nhân viên có tâm huyết và được đào tạo nghiệp vụ nuôi dạy trẻ, Hội chúng tôi đã chăm sóc, nuôi dưỡng hàng trăm lượt cháu tại 2 Trung tâm. Đến nay đã có nhiều cháu trưởng thành, có nghề nghiệp, có công ăn việc làm, nhiều cháu có gia đình và cuộc sống ổn định, có một tương lai được bảo đảm bằng chính sự trưởng thành của mỗi cháu.

Đặc biệt, trong hơn 15 năm qua, Hội chúng tôi đã tìm được mái ấm gia đình trong nước hoặc nước ngoài cho hơn 100 cháu mồ côi, trong đó có các cháu mồ côi cô nhi cũng như có cháu mồ côi lớn tuổi. Do thực hiện đúng những quy định của Nhà nước - đặc biệt là theo tinh thần của Luật nuôi con nuôi nên chúng tôi đều tìm được những gia đình có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu, các cháu được chăm sóc tốt và phát triển thuận lợi

Chúng tôi cho rằng việc thành lập các cơ sở (Trung tâm) nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi là phù hợp với chức năng của Hội và thực hiện được nhiệm vụ đề ra là chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu, tạo điều kiện để các cháu trưởng thành, phát triển và tìm cho các cháu một mái ấm gia đình để các cháu bất hạnh này có một cuộc sống ổn định và một tương lai tốt đẹp. Đó cũng chính là cách thể hiện sự quan tâm của chúng ta đối với trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi.
VIDEO
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH & XÃ HỘI TỈNH HẢI DƯƠNG
Địa chỉ: Số 8 Phạm Sư Mệnh - Phường Quang Trung -TP Hải Dương.
Điện thoại : 02203.853.734 Email: soldtbxh@haiduong.gov.vn
Trưởng ban biên tập: Ông Bùi Thanh Tùng -Giám đốc Sở
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Số lượt truy cập
Đang truy cập: 34
Hôm nay: 48
Tất cả: 840,698